Tôi có cơ may được gặp anh Hải Trung, giám đốc Bảo tàng di tích Huế vào mùa hè năm ngoái. Nhìn những tấm hình chạm khắc của tôi về Nam Phương Hoàng Hậu, anh Hải Trung đồng ý cho coi 1 bức hình chưa khảm trai nguyên vẹn của vua Bảo Đại mà Bảo tàng chưa hề công bố và trưng bày. Bức này được lưu giữ từ khi chính quyền Cách mạng tiếp quản kinh thành Huế.
Nghề khảm trai xưa
Là một người làm nghề lâu năm nhưng khi nhìn thấy bức hình, tôi không khỏi giật mình vì vẻ đẹp của nó. Bức hình chỉ lớn bằng tờ tạp chí. Chân dung của Vua Bảo Đại bằng trai ốc được khảm trên nền đồng trải qua bao nhiêu năm vẫn còn giữ được màu sắc nguyên thuỷ. Hình ảnh một vị vua trẻ được thể hiện hết sức sống động trong trang phục hoàng bào. Khuôn mặt của Vua Bảo được làm bằng con sác, các chi tiết cầu vai được làm bằng ốc xà cừ, một loại ốc rất giá trị màu hồng đậm tạo điểm nhấn cho bộ trang phục. Thẻ bài của Vua đeo trên ngực áo được làm bằng tai trai màu vàng. Đặc biệt bức hình được cắt ghép các chi tiết bằng kỹ thuật xen lọng các nguyên liệu vào với nhau một cách rất tỷ mẩn và tinh tế. Đằng sau bức hình được bồi bằng nhiều lớp vải màn và sơn ta, có lẽ vì thế nên sau đến cả trăm năm nay các nguyên liệu vẫn tốt và không bị bong bật. Một dòng chữ nhỏ ghi sau tấm hình khiến cho tôi rất chú tâm “ Nguyễn Văn Phú”, tên của nghệ nhân làm nên bức hình này. Trời! Quả là không xa lạ gì, cụ Nguyễn Văn Phú hay còn gọi là Tư Phú vốn người làng tôi vốn nổi tiếng là thợ cẩn cao tay trước nghe nói được triều đình mời vào làm hình từ lâu lắm rồi. Cụ đã dạy nghề cho bố tôi tong vài năm tuy nhiên cũng chỉ hơn bố tôi vài tuổi. Một cảm xúc thân thương chợt dậy lên trong lòng tôi về mối quan hệ quê hương và nghề nghiệp. Tôi không dám nói nhiều nhưng hứa với anh Trung sẽ đi tìm thêm tư liệu về cụ để anh có thông tin đầy đủ khi nào công bố bức hình này. Vì nguyên tắc của Bảo tàng nên tôi không thể chụp lại bức hình quí giá ấy mà chỉ được ngắm nó như một cơ duyên hiếm có.
Sau này khi gọi về quê, lần mò các mối quan hệ, tôi mới biết được cụ Tư Phú chính là anh họ của bố tôi. Cụ có tới năm người con nhưng không ai theo nghề (sau này đều là kỹ sư và bác sĩ) nên truyền nghề cho anh em họ và đồng môn. Theo mối liên hệ này thì tôi lấy làm tự hào vì khoảng cách nghề nghiệp giữa tôi và cụ quả không xa lắm, chỉ là một thế hệ. Tôi biết nghề cẩn xưa kia vốn được tôn vinh rất nhiều do những sản phẩm có một không hai. Nghề mai một ngày càng nhiều trong khi tôi vẫn lụi cụi cả năm ốc với gỗ, với khắc, quên cả chuyện cơm áo hàng ngày thì giống như lội ngược dòng nước đi tìm quá khứ. Giờ được thấy bức hình cẩn tuyệt đẹp này, lòng tôi như được an ủi trở lại.
Xuân Sinh