Nghề cẩn ốc, khảm trai – nghệ thuật không thể vội

Từ câu chuyện của các hoạ sĩ Việt Nam 

Tình cờ, tôi hữu duyên được gặp hoạ sĩ Trần Huy Hoan tại nhà riêng của ông trên đường Lý Chính Thắng. Ông tiếp tôi chân tình và cởi mở chia sẻ những câu chuyện nghề nghiệp. Khi hỏi ông về việc đầu tư tranh, một trào lưu đang nổi lên trong năm 2020, ông khẳng định với tôi rằng, những tác giả hội hoạ Đông Dương vẫn là đang cực kỳ chiếm ưu thế, mặc dù như vậy là hơi muộn.

Hai lý do chính ông đưa ra khiến tôi vô cùng tâm đắc. Thứ nhất những tên tuổi sáng danh, những bậc thầy của nền hội hoạ Việt Nam được đào tạo rất bài bản bởi những ông thầy giỏi của Pháp quốc. Thứ hai họ thực sự là người có nhân cách lớn, sáng tác với “ nửa hồn thương đau”, hoài thai, trày trụa, đau đớn, yêu thương với tác phẩm của mình cho đến khi hoàn thành. Thời gian sáng tác có thể vô định từ vài tháng đến nhiều năm. Ví như hoạ sĩ Lưu Công Nhân, có những tác phẩm 30 năm vẫn chưa được ông coi là tròn trịa. Nghệ thuật ngày nay được nhiều yếu tố hỗ trợ, đáp ứng được vấn đề thời gian nhưng có lẽ vì thế chưa đủ độ qua nung, tôi thử lửa.

Đến câu chuyện nghề cẩn ốc, khảm trai 

Câu chuyện của hoạ sĩ Trần Huy Hoan khiến tôi liên tưởng nhiều đến nghề mình. Nghề khảm trai cẩn ốc có lịch sử ra đời rất sớm nhưng đã mai một rất nhiều và nay còn quá ít những sản phẩm có thể gọi tên là tác phẩm. Cái lỗi của thời đại với chủ trương nhanh nhiều, rẻ đã làm giá trị của nghề khảm trai cẩn ốc gần như chỉ còn là quá khứ. Nghề thủ công cũng không thể vội.

Để có được nguy một bức tranh khảm trai cẩn ốc đẹp, tôi phải sưu tầm nguyên liệu trong nhiều năm. Bạn có thể có tiền đi mua nhiều chục cây vàng tích trữ nhưng không dễ có vài ki -lô – gam ốc đỏ đẹp trong một lúc. Tôi có một chiếc rương bằng tôn loại tốt đóng giả kiểu vali. Tôi đặt nó và mang theo trong công cuộc Nam tiến và dùng riêng để đựng ốc. Mỗi lần đến vựa ốc, tôi ngồi hàng giờ để lựa được một nắm ốc, mua tích góp lại trong chiếc rương đó. Không phải lúc nào tôi cũng may mắn có được ốc tốt, phần vì do chất lượng của mỗi đợt nhập hàng, phần vì nguyên liệu ốc đẹp tự nhiên ngày nay thực đang càng ngày càng khan hiếm. Lần nào mua được ốc đẹp, lòng tôi mừng ghê gớm, giống như mấy ông hoạ sĩ thời bao cấp có được màu và giấy vẽ.

Một người thợ cẩn trai, khảm ốc chỉ làm được một công đoạn của chuỗi các công đoạn cần được đào tạo từ 5 – 10 năm. Những năm hàng chạy, nhà tôi có vài chục thợ khảm trai cẩn ốc làm việc từ sáng đến khuya. Rồi máy đục xuất hiện, máy giập ra đời, ngành nghề cạnh canh nhanh, nhiều, rẻ đẩy giá sản phẩm xuống thấp. Làm đẹp, giữ chất thì khó tồn tại vì không đáp ứng được số lượng. Làm nhanh, giá rẻ sản phẩm lem nhem đến mức nghề khảm trai cẩn ốc bị đánh đồng với những đồ rẻ tiền. Tôi đau xót khi nhiều thợ đục giỏi bỏ nghề đi bán rau, bán trái cây để nuôi chồng con. Các cháu trai bỏ nghề đi bán điện thoại, làm thợ nhôm kính… Một số cháu còn theo nghề thì chủ yếu làm thợ tách, bám trụ tại các trung tâm sản xuất hàng khảm trai, cẩn ốc hàng “chợ”. Thợ giỏi ngành khảm trai, cẩn ốc thực sự không còn nhiều.

Sự am hiểu của người chơi tranh cẩn ốc, khảm trai cũng cần có thời gian 

Năm ấy, tôi đang đi nghỉ ở khu nghỉ dưỡng Amanoi thì có ông khách lạ gọi điện. Ông ấy muốn tôi tư vấn mua một bộ sập và sau đó vẽ mẫu riêng cẩn ốc cho ông ấy. Tôi dám chắc là ông đã đi tìm hiểu một vòng trước khi gọi tôi. Tôi hứa khi về sẽ liên hệ lại. Ông ấy mua được bộ sập cổ rất hời, phải nói là một người rất kỹ lưỡng và chịu chơi lắm. Thoả thuận xong xuôi, tôi bắt tay vào vẽ mẫu và ông ấy hẹn có hàng trước Tết. Vẽ xong, tôi mời ông đến nhà duyệt mẫu. Ông ấy vui lắm rất hồ hởi với những gì mình có. Ngược lại, tôi rất lo về thời hạn giao hàng. Tôi đã chọn một cậu thợ cưa ưng ý nhất để triển khai công việc. Đang làm cậu ấy bệnh, đau mắt. Không phải nói các bạn cũng biết ông khách giận tôi thế nào khi đến Tết không giao có bộ sập trưng trong nhà mời bạn bè thưởng trà ngắm hoa. Tôi phải đưa ông ấy xuống xưởng coi thực tế các công đoạn thủ công, nhất là hàng chất lượng cần sự chau chuốt kỹ lưỡng đến thế nào. Tôi cũng không thể giao cho thợ khác làm tiếp khiến sản phẩm dở dang bị phá cách. Rồi mất cả buổi coi tôi tách, khắc ông khách mới thực sự hiểu cái nghề thủ công cực nhọc lắm thay. Một nhành hoa, một con bướm trên chiếc sập làm để ngắm nghía mỗi ngày càng nhìn càng đẹp, càng lung linh chứ đâu phải làm để rồi hụt hẫng với những đường ghép nối vội vã, vụng về, thô kệch khiến người chơi không muốn nhìn chứ chưa nói có cảm hứng thưởng trà hưởng nguyệt.

Tôi không thể có những sản phẩm đẹp khảm trai, cẩn ốc về Phật Thích ca Mâu Ni, Quán Thế Âm Bồ Tát nếu không có một số năm nghiên cứu và có niềm tin vào Phật Pháp. Tôi cũng không thể có những tấm tranh về Thiên Chúa Giáo nếu không dành thời gian tìm hiểu lịch sử của đạo giáo này và lắng nghe câu chuyện của những con chiên ngoan đạo. Thời gian tạo ra những lớp hiểu biết và cảm thụ rồi mới dồn nén trong hồn cốt của tác phẩm.

Tâm huyết còn lại với nghề cẩn ốc, khảm trai 

Tôi chỉ muốn những tác phẩm của tôi trong đó nhiều tác phẩm sẽ không bán, được giữ lại sẽ là minh chứng cho một làng nghề khảm trai cẩn ốc có lịch sử, tinh tuý, đẹp đẽ. Tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng thời gian cũng là một yếu tố thật quan trọng tăng thêm giá trị cho các sản phẩm thủ công các bạn ạ. Anh Hoan kể chuyện, khi còn sống, những tác phẩm của Bùi Xuân Phái bày bán ở khu hàng Khay – Hà Nội giá không được vài chục đô -la. Nhưng hiện nay, ai đang sở hữu tác phẩm của ông không thể không hãnh diện, tự hào và được thiên hạ nể nang các bạn ạ.

Xuân Sinh

Rate this post