Giới thiệu về Tranh Khảm Âu Lạc

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Sinh:

Nguyễn Xuân Sinh là một trong số rất hiếm những nghệ nhân nghề khảm trẻ tuổi làm được những sản phẩm “đỉnh” của nghề nghiệp. Anh học nghề từ năm 13 tuổi, luyện nghề hơn hai mươi năm để đến nay có một bàn tay và cảm nhận nhuần nhuyễn, chín muồi.

Trở về quá khứ, người được tôn vinh nhất trong làng nghề khảm trai là cụ Nguyễn Văn Phú, còn gọi là cụ Tư Phú, quê thôn Chuôn Ngọ, Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội). Cụ sinh khoảng năm 1907.Trước cách mạng tháng Tám cụ được mời tham gia trường Kỹ nghệ Hà Đông, một trường do Pháp thành lập vừa nhằm dạy nghề, vừa trưng bày và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại trường, cụ tham gia dạy nghề và làm các sản phẩm khảm trai đặc sắc. Vì rất giỏi nghề nên cụ được mời vào Huế, trực tiếp khảm đồ gỗ cho triều đình nhà Nguyễn và sau được phong Cửu Phẩm và nhận huân chương Nam Long Bội Tinh. Sau này cụ được phong “Hàn Lâm Đại Chiếu” vì tài nghệ trong nghề. Hiện nay, bảo tàng di tích Huế còn lưu giữ bức chân dung của vua Bảo Đại do chính cụ Tư Phú làm. Cụ được nhận thư khen của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về huy hiệu khảm truyền thần chân dung của Người mà Người dùng tặng các Chiến sĩ Hòa Bình Pháp đấu tranh chống chiến tranh của Pháp tại Việt Nam và Đông Dương tên là Henry Martin, Raymon Dien và Bí Thư Đảng cộng sản Pháp Moris Thorez. Các con của cụ Nguyễn Văn Phú đều thành đạt nhưng không có ai theo nghề. Cụ có một số học trò ruột trong đó có cụ Nguyên Xuân Nhiễm, người em họ con cô. (Mẹ cụ Nhiễm và cha cụ Tư Phú là anh em ruột). Cụ Nhiễm khi còn sống kể chuyện rằng đã mất ba năm gánh nước phụ việc cho cụ Phú mới được học nghề. Cụ Nhiễm học nghề rất sáng ý, được cụ Phú giao cho làm rất nhiều chi tiết trong các sản phẩm quan trọng mà cụ đảm nhận.

Về phần cụ Nhiễm,từ những năm 1940, cụ Nguyễn Xuân Nghiễm đã có những sản phẩm được người Pháp chọn triển lãm.Cụ được Ban liên hiệp Tiểu Thủ công nghiệp Trung ương tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, tôn vinh nghề. Cụ là người không những nắm được những kỹ thuật tinh hoa của nghề cổ truyền mà còn sáng tạo rất nhiều kỹ thuật, sản phẩm độc đáo mà trước đó chưa có, đặc biệt là kỹ thuật làm tranh khảm truyền thần. Với kỹ thuật tách gợt, áp dụng phân tích ánh sáng, bức truyền thần do tay cụ làm trở nên sắc nét, chân thực và có giá trị nghệ thuật.Anh Nguyễn Xuân Sinh được cụ truyền lại những kinh nghiệm và bí quyết nghề nghiệp mà cụ đã đúc rút trong suốt cuộc đời.

Sau nhiều năm học hỏi, tự rèn luyện và trau dồi nghề nghiệp, anh Nguyễn Xuân Sinh hiện nay là một trong số rất ít những người nắm chắc toàn bộ kỹ thuật của nghề cẩn. Có thể nhận rõ được điều này trên các sản phẩm khảm trai cao cấp mà anh đã thể hiện như bức Bữa Tiệc Ly, bức chân dung Chúa Giê Su hay chân dung Nam Phương Hoàng Hậu…Nghề khảm ở thôn Chuôn Ngọ sau này vẫn phát triển theo hướng đa dạng sản phẩm, mẫu mã nhưng lại mai một dần lối khảm truyền thần vì nhu cầu của thị trường quá ít, chỉ dành cho những số ít những người biết chơi và có khả năng về tài chính. Nhiều thợ giỏi cũng không tiếp nối được bí quyết làm hình truyền thần.Anh Nguyễn Xuân Sinh là một trong số rất hiếm người còn trẻ, người gọi cụ Tư Phú bằng bác làm được khảm truyền thần.Anh chuyển vào sống ở TP HCM, vừa kinh doanh, từ từ làm những sản phẩm đẹp để có dịp tôn vinh nghề.

2. Âu Lạc:

– Hình thành: Cơ sở Âu Lạc được hình thành năm 1992 tại Thành Phố Hồ Chí Minh khi anh Nguyễn Xuân Sinh quyết định vào miền Nam lập nghiệp. Vào những năm đó, ngành gỗ mỹ nghệ đang phát triển rầm rộ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Sản phẩm chính của Âu Lạc lúc đó là tủ thờ, kệ bán trong nước và các sản phẩm tranh khảm, vật phẩm khảm trai trang trí kích thước nhỏ xuất khẩu sang Nhật, Đài Loan.

Tráp làm theo lối cổ

Chân dung Nam Phương Hoàng Hậu ngày vu quy

” Phúc” tân gia

– Ngành nghề:

+ Chế tác tranh khảm truyền thần

+ Chế tác tranh tín ngưỡng, phong thủy, đề tài cổ

+ Chế tác tranh, các sản phẩm mang tính chất trang trí nội thất

+ Sản xuất sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp ( tủ thờ, bàn ghế, bình phong, trấn phong, sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối…)